Đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh và hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng…
Đây được xem là yếu tố bất lợi đối với các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2018 và còn kéo dài đến năm 2019. Theo đó, các ngân hàng sẽ khảo sát kỹ giá đất trước khi cho doanh nghiệp bất động sản vay, đặc biệt là những vùng giá trị đất bị đẩy lên bất thường ở các vùng ven, ngoại thành và phải giảm tỷ lệ cho vay xuống mức thấp nhất dao động khoảng 50%, thậm chí 30% so với giá thị trường. Song song đó, nhiều ngân hàng cũng áp dụng mức lãi suất cho vay bất động sản lên 12%/năm đối với vay trung hạn, còn vay dài hạn là từ 12,5%/năm, tương đương với việc tăng 1 – 2%/năm so với trước đó vài tháng.
Lý do của việc thắt chặt tín dụng cho bất động sản đã được đề cập rất nhiều trong thời gian qua chính là rủi ro về tỷ lệ nợ trên quy mô thị trường đang quá cao. Cụ thể, quy mô thị trường bất động sản hiện nay vào khoảng 25 tỷ USD, trong khi tổng dư nợ đã lên đến gần 20 tỷ USD chiếm 80% nguồn vốn chảy vào bất động sản.
Sau gần 1 năm các ngân hàng áp dụng siết chặt vốn vay bất động sản, khiến không ít các doanh nghiệp và các nhà đầu tư cá nhân gặp khó. Như tại thị trường TP.HCM, nguồn cung sụt giảm gần 40% so với năm 2017 và kéo lê sang quý 1/2019. Theo tìm hiểu, các ngân hàng thương mại khi cho vay bất động sản cho 2 đối tượng chính, đó là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và là người mua nhà. Trong đó, đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong việc tăng lãi suất và siết room tín dụng lại là người có nhu cầu mua nhà ở thực.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước siết vốn vay vào bất động sản là phù hợp khi bất động sản cả nước đã phát triển quá nóng trong 5 năm trở lại đây. Đồng thời, khi siết vốn, các doanh nghiệp bất động sản bắt buộc phải huy động vốn thông qua các kênh khác, điển hình như chứng khoán. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đến nay, tại TP đã có 58 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn và có những tín hiệu khả quan.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng cho rằng, năm 2019 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn như quỹ đất sạch hạn chế, ngân hàng siết vốn và các chính sách hạn chế đầu tư. Trong đó, giải pháp để tháo gỡ vốn vay không có yếu tố nào khác bắt buộc các doanh nghiệp phải có quỹ đất sạch cùng các dự án đang triển khai. Còn đối với những nhà đầu tư cá nhân, các chuyên gia khuyên rằng nên hạn chế dùng đòn bẩy tài chính để đầu cơ. Bởi khi ngân hàng tiếp tục siết vốn, lãi suất tăng nhưng sức hút của bất động sản sẽ giảm nhiệt thì tỷ lệ lợi nhuận của bất động sản cũng không còn là miếng bánh béo bỡ như trước.
Bài viết nổi bật