Theo các chuyên gia, trong năm 2023 NHNN không nên và không nhất thiết phải tăng lãi suất và nếu giữ ổn định mặt bằng như hiện nay đã là rất tốt. Mặc dù mặt bằng lãi suất có thể không tăng nhưng cũng khó có thể giảm.
Chỉ trong vòng vỏn vẹn ba tháng, lãi suất điều hành đã tăng đến hai lần, biên độ tỷ giá VND/USD được nới từ 3% lên 5%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục tăng giá bán USD cho các nhà băng chỉ trong vòng một tháng. Đó là những gì mà chúng ta trải qua từ tháng 10 đến nay sau hơn hai năm “yên bình”.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, từ tháng 9 khi Fed liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
NHNN đã hai lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành vào tháng 9 và tháng 10 mỗi lần khoảng một điểm %, đồng thời, trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng cũng tăng tiếp từ 5 lên 6% – bằng mức trước dịch và tương đương giai đoạn năm 2014.
Theo giải thích của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trước Quốc hội cuối tháng 10, nếu giữ lãi suất thì không thể kiểm soát được thị trường ngoại hối, trong ngắn hạn, ổn định thị trường ngoại hối là vấn đề được ưu tiên vì vậy tăng lãi suất là biện pháp khó tránh khỏi.
Đỉnh lãi suất 5 năm đã đạt?
Ngoài áp lực về tỷ giá và tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương thế giới, một trong những nguyên nhân khiến lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng cao còn là do sự thiếu hụt về thanh khoản.
Kể từ tháng 10 đến nay, lãi suất 12 tháng tại các NHTM tăng vọt từ mức khoảng 6,5% lên đến gần 9%. Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup bình luận: “Chúng ta đã ở trong giai đoạn hai năm thừa tiền, nhưng đến 4-5 tháng gần đây, chúng ta thiếu tiền nghiêm trọng”.
Từ cuối năm 2020-2021, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chỉ dao động quanh mức 0%, tức là các ngân hàng gần như cho nhau vay và không lấy lãi suất qua đêm. Nhưng đến nay, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm lên đến 5-6%/năm cho thấy thanh khoản thiếu hụt.
Tương tự, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam cũng tăng từ 0,25%/năm lên tới 5,6%/năm và duy trì đến bây giờ, ông Báu cho hay.
Theo CEO WiGroup, ba tháng vừa qua cũng là giai đoạn mặt bằng lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 5 năm, tuy nhiên, tín hiệu tích cực là sau giai đoạn khó khăn bước sang năm 2023, chu kỳ thanh khoản sẽ được mở rộng mở rộng khi tỷ giá không còn chịu áp lực, NHNN có thể quay trở lại mua dự trữ ngoại hối, tức bơm tiền vào thông qua kênh tỷ giá.
Đặc biệt, ông Báu dự báo, lãi suất dự báo sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023 trong bối cảnh lạm phát năm 2023 sẽ chỉ ở mức 3-3,5% thấp hơn mức mục tiêu 4 -4,5% mà Chính phủ đặt ra.
“Khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm, là ‘ánh sáng cuối đường hầm’ của một năm 2023 nhiều khó khăn”, CEO WiGroup nhận định.
Còn theo, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cho rằng áp lực tăng lãi suất năm 2023 sẽ nhẹ nhàng hơn bởi áp lực lạm phát thế giới giảm bớt, nhiều quốc gia hiện đã qua đỉnh lạm phát.
Trong năm 2023, ngân hàng trung ương các nước cũng sẽ giảm dần mức độ tăng lãi suất, như vậy mức độ áp lực với việc điều hành tăng lãi suất của Việt Nam cũng sẽ thấp hơn. Chính vì áp lực tỷ giá không quá lớn tạo dư địa để NHNN có thể thực hiện tốt hơn bài toán về cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá.
Mặt bằng lãi suất 2023 “không tăng nhưng khó giảm mạnh”
TS. Cấn Văn Lực cho rằng năm 2023 không nên và không nhất thiết phải tăng lãi suất, NHNN nên giữ ổn định mặt bằng lãi suất đã là rất tốt. Mặc dù mặt bằng lãi suất có thể không tăng nhưng cũng khó có thể giảm.
Chuyên gia cũng cho biết, kinh tế toàn cầu được dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 2,2 – 2,5%. Tại Việt Nam, IMF và WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,7% hay 6 – 6,5%. Lạm phát cũng sẽ cao hơn, CPI bình quân dự báo tăng 4 – 4,5%.
TS. Lực cho rằng,việc giữ được mặt bằng lãi suất như hiện nay sẽ giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh trong năm 2023 bởi sau khi tăng nóng vào tháng 10, tháng 11, sang tháng 12 mặt bằng lãi suất đã giảm khá mạnh và ở mức hợp lý với bối cảnh kinh tế.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định năm 2023 còn rất nhiều khó khăn đối với việc điều hành lãi suất. Trên thế giới, chính sách tiền tệ thắt chặt và vấn đề nâng lãi suất của các nước dù chậm lại song vẫn tiếp tục tác động vào điều hành chính sách của Việt Nam.
NHNN cho biết động thái giữ mặt bằng lãi suất cao của Fed trong tương lai sẽ ảnh hưởng tới lạm phát và lãi suất của Việt Nam. Mặt bằng lạm phát cao và lạm phát cao và xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên thế giới sẽ tiếp tục được duy trì. Tất nhiên, mức độ tác động dữ dội, nhanh mạnh của xu hướng thế giới đến kinh tế Việt nam sẽ không như năm 2022 nhưng vẫn sẽ tiếp tục dai dẳng trong năm 2023.
Đại diện NHNN cho hay điều hành lãi suất, tín dụng, tỷ giá trong năm 2023 rất khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất cần nỗ lực rất lớn, NHNN sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất, yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất.
Điều hành lãi suất 2023 theo hướng linh hoạt, thận trọng
NHNN cho biết, trên tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, ngành ngân hàng cũng xác định định hướng điều hành cho năm 2023 trên tinh thần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng nhưng đáp ứng đảm bảo kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng và hỗ trợ mục tiêu khôi phục nhanh nền kinh tế. Đặc biệt là hỗ trợ cho những lĩnh vực động lực của tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn.
Trong điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá, NHNN tiếp tục chính sách linh hoạt, đảm bảo được những cân đối chung, đảm bảo niềm tin của doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế đối với sự duy trì ổn định về lãi suất, ổn định tỷ giá.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục cung ứng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp phụ trợ, thu mua lương thực, nông sản, tăng cường các hoạt động tín dụng chính sách, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp,…
Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, Phó Thống đốc cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt, phối hợp với các bộ ngành để giải quyết các khó khăn có tính chất về mặt thủ tục, cách thức triển khai để đảm bảo hiệu quả. Đặc biệt, sau khi khảo sát, đánh giá thì cần thiết mở rộng đối tượng thụ hưởng của chính sách này để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền xem xét.
Bài viết nổi bật