Cổ phiếu mở ra cánh cửa vào thị trường tài chính sôi động, nơi bạn có thể vừa tăng trưởng tài sản vừa đồng hành cùng sự phát triển của những doanh nghiệp tiềm năng. Khi nắm giữ cổ phiếu, bạn không chỉ hưởng lợi từ kết quả kinh doanh mà còn có một phần tiếng nói trong các quyết định công ty. Dù bạn là người mới hay đã có kinh nghiệm, việc hiểu rõ cổ phiếu là gì và vì sao nên đầu tư vào cổ phiếu sẽ giúp bạn tự tin hơn trên con đường đầu tư dài hạn.

Khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư trở thành cổ đông, có quyền tham gia quyết định và nhận lợi nhuận từ hoạt động của công ty. Cổ phiếu không những mang lại thu nhập từ cổ tức mà còn có tiềm năng tăng giá trên thị trường, tạo cơ hội sinh lời hấp dẫn cho nhà đầu tư.

cổ phiếu

Cổ phiếu là gì?

Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành (Khoản 2 Điều 4 Luật chứng khoán 2019).

Chứng khoán là khái niệm được dùng khi đề cập đến các sản phẩm tài chính xác nhận sở hữu hợp pháp đối với tài sản hoặc phần vốn của công ty hay tổ chức đã phát hành. Khái niệm chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ, chứng quyền…

Ví dụ: Nếu 1 doanh nghiệp có 100 cổ phiếu đang lưu hành và quý khách nắm giữ 3 cổ phiếu thì quý khách đang sở hữu 3% vốn hóa thị trường của doanh nghiệp đó. 

Vì sao nên đầu tư cổ phiếu?

Tiềm năng sinh lời cao

Khi đầu tư cổ phiếu, bạn đồng nghĩa với việc sở hữu một phần của công ty và chia sẻ thành công của họ. Lãi suất tiết kiệm chỉ đạt khoảng 6-7% mỗi năm, nhưng các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán thường tăng trưởng trung bình 20%/năm. Chọn đúng các công ty tiềm năng, bạn có thể nhận cổ tức khi công ty có lãi hoặc thu lợi từ chênh lệch giữa giá mua và giá bán cổ phiếu.

Xem thêm: Cách tính lãi suất tiết kiệm đúng cách.

Thanh khoản nhanh chóng

Cổ phiếu là tài sản có tính thanh khoản cao, chỉ sau tiền mặt. Thị trường chứng khoán tập trung nhiều người mua và bán, giúp giao dịch diễn ra nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cổ phiếu thành tiền mặt một cách dễ dàng khi cần thiết.

Đầu tư linh hoạt với vốn nhỏ

Đầu tư cổ phiếu không đòi hỏi vốn lớn như bất động sản. Chỉ với một số vốn nhỏ, bạn có thể bắt đầu giao dịch cổ phiếu. Sau ít nhất 2 ngày nắm giữ, bạn có thể bán khi đạt được lợi nhuận mong muốn mà không cần chờ đợi lâu như với các khoản tiết kiệm.

Sinh lợi từ chênh lệch giá

Nhiều nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch giá cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu biến động, nó tạo ra cơ hội sinh lời ngắn hạn hấp dẫn.

Quyền kiểm soát và biểu quyết trong doanh nghiệp

Bên cạnh lợi nhuận tài chính, cổ phiếu còn mang đến quyền biểu quyết trong các quyết định quan trọng của công ty. Các cổ đông có quyền đóng góp và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Những cá nhân muốn có ảnh hưởng đến chiến lược công ty có thể đạt được quyền kiểm soát thông qua sở hữu cổ phần lớn.

Các loại cổ phiếu trên thị trường

Có hai loại cổ phiếu chính là cổ phiếu thường (cổ phiếu phổ thông) và cổ phiếu ưu đãi.

Cổ phiếu thường

Cổ phiếu thường (Common Stock) hay cổ phiếu phổ thông là loại cổ phiếu phổ biến nhất, cho phép người sở hữu tham gia đại hội cổ đông và có quyền biểu quyết trong các quyết định quan trọng của công ty. Đây cũng là loại cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên thị trường, mang lại quyền lợi đầy đủ cho cổ đông như nhận cổ tức và có tiếng nói trong hoạt động kinh doanh.

Cổ phiếu ưu đãi

Cổ phiếu ưu đãi (Preferred Stock) là một loại cổ phiếu mang lại cho người nắm giữ những quyền lợi đặc biệt, nhưng thường đi kèm với một số hạn chế so với cổ phiếu thường. Dưới đây là các loại cổ phiếu ưu đãi phổ biến:

Cổ phiếu ưu đãi cổ tức

  • Người sở hữu loại cổ phiếu này sẽ nhận được cổ tức cao hơn so với cổ đông sở hữu cổ phiếu thường.
  • Tuy nhiên, họ không có quyền biểu quyết tại các cuộc họp đại hội cổ đông, không được tham gia vào việc bầu cử các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại

  • Cho phép cổ đông yêu cầu hoàn lại vốn góp bất cứ lúc nào hoặc theo các điều kiện đã thỏa thuận trước.
  • Giống như cổ phiếu ưu đãi cổ tức, cổ đông sở hữu loại này cũng không có quyền biểu quyết hoặc tham gia vào đại hội cổ đông.

Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết

  • Loại cổ phiếu này cho phép cổ đông có nhiều quyền biểu quyết hơn so với cổ phiếu thường.
  • Người nắm giữ có quyền tham gia vào các cuộc họp đại hội cổ đông và có thể đề cử thành viên vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
  • Tuy nhiên, cổ phiếu ưu đãi biểu quyết không thể chuyển nhượng cho người khác.

Cổ phiếu ưu đãi thông thường

  • Cổ đông sở hữu cổ phiếu này sẽ được hưởng thêm một số ưu đãi như cổ tức cao hơn và quyền biểu quyết lớn hơn so với cổ đông cổ phiếu thường.

Cổ phiếu ưu đãi tích lũy

  • Đây là loại cổ phiếu đảm bảo rằng cổ đông sẽ nhận được số cổ tức mà họ đã không nhận được trong các năm trước đó.
  • Trong trường hợp công ty gặp khó khăn và không thể chi trả đầy đủ cổ tức, số cổ tức còn thiếu sẽ được cộng dồn và trả bù trong những năm sau.

Cổ phiếu ưu đãi tham dự

  • Loại cổ phiếu này cho phép chủ sở hữu nhận thêm cổ tức khi công ty đạt được hiệu quả kinh doanh tốt.
  • Điều này tạo ra động lực cho các cổ đông vì họ có thể nhận được lợi ích tài chính từ sự phát triển của công ty.

Cổ phiếu ưu đãi có thể mua lại

  • Doanh nghiệp có quyền mua lại cổ phiếu này từ nhà đầu tư vào bất kỳ thời điểm nào.
  • Điều này giúp công ty linh hoạt trong việc quản lý vốn và duy trì quyền kiểm soát.

Cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi

  • Cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi cho phép nhà đầu tư đổi cổ phiếu ưu đãi thành cổ phiếu thường trong một khoảng thời gian nhất định. Mặc dù cổ phiếu này không có quyền biểu quyết, nhưng nó được ưu tiên thanh toán trước cổ phiếu thường. Trên bảng cân đối kế toán, cổ phiếu ưu đãi này được ghi vào phần nợ cho đến khi chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu.
  • Doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi nhằm huy động vốn với chi phí thấp hơn so với việc vay nợ, đồng thời tránh làm giảm số lượng cổ phiếu hiện có. Việc chuyển đổi này mang đến cho nhà đầu tư cơ hội hưởng lợi từ sự tăng giá của cổ phiếu thường trong tương lai.

Các bước đầu tư cổ phiếu

Mặc dù có nhiều loại cổ phiếu trên thị trường, dưới đây là các bước căn bản giúp bạn bắt đầu hành trình đầu tư:

Bước 1: Mở tài khoản chứng khoán 

Để giao dịch cổ phiếu, bạn cần một tài khoản tại công ty chứng khoán, nơi sẽ lưu trữ tiền và thực hiện các giao dịch. Bạn chỉ cần cung cấp giấy tờ cá nhân như CMND hoặc CCCD để mở tài khoản.

Bước 2: Nạp tiền vào tài khoản

Sau khi mở tài khoản, bạn cần nạp tiền để bắt đầu mua cổ phiếu. Số tiền đầu tư phụ thuộc vào khả năng tài chính của bạn, nhưng hiện nay nhiều sàn chỉ yêu cầu mức tối thiểu từ 2 triệu đồng, phù hợp cho người mới bắt đầu với số vốn nhỏ.

Bước 3: Thực hiện giao dịch mua bán 

Trước khi mua cổ phiếu, hãy nghiên cứu kỹ mã cổ phiếu bạn muốn đầu tư và đảm bảo số tiền trong tài khoản đủ để mua lượng cổ phiếu mong muốn.

Các loại lệnh cơ bản khi giao dịch

Các lệnh là yêu cầu mua/bán cổ phiếu với mức giá đã được xác định, được gửi qua sàn giao dịch hoặc hệ thống giao dịch trực tuyến. Một số loại lệnh chính cần biết:

  • Lệnh ATO (At the Opening): Lệnh mở cửa thị trường, thực hiện từ 9h đến 9h15 sáng.
  • Lệnh ATC (At the Close): Ngược với lệnh ATO, lệnh này áp dụng vào cuối ngày giao dịch, từ 14h30 đến 14h45.
  • Lệnh LO (Limit Order): Lệnh này sẽ được duy trì đến khi phiên giao dịch kết thúc hoặc lệnh bị hủy bỏ.

Ngoài ra, còn nhiều lệnh khác như lệnh MP (Market Price), MTL (Market To Limit), MOK (Match Or Kill), và PLO (Post Limit Order), giúp bạn linh hoạt hơn trong giao dịch

Kinh người đầu tư cổ phiếu cho người mới bắt đầu 

Đánh giá năng lực tài chính

Trước tiên, xác định mức tài chính mà bạn có thể dành cho đầu tư bằng cách tính toán số vốn khả dụng sau khi đã trừ đi các chi phí sinh hoạt và quỹ dự phòng (thường từ 3-6 tháng chi tiêu).

Công thức gợi ý:

Số vốn đầu tư = (Tiết kiệm + Thu nhập khả dụng) – (Chi phí hàng tháng + Quỹ dự phòng)

Sau khi xác định số vốn, bạn cần quyết định cách phân bổ cho các khoản đầu tư ngắn hạn và dài hạn, cùng với việc tính toán kỹ lưỡng về vốn vay (nếu có) để đảm bảo an toàn.

Đặt ra mục tiêu đầu tư

Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn chọn chiến lược đầu tư phù hợp. Lợi nhuận và rủi ro thường đi đôi, do đó hãy đặt mục tiêu lợi nhuận khả thi, đồng thời xác định mức độ rủi ro có thể chấp nhận. Thông thường, nhiều nhà đầu tư chỉ giao dịch khi lợi nhuận kỳ vọng cao gấp ba lần rủi ro tiềm ẩn (ví dụ: kỳ vọng 15.000 đồng/cổ phiếu, trong khi mức cắt lỗ là 5.000 đồng/cổ phiếu). Đánh giá lại mục tiêu này thường xuyên, theo tuần, tháng, và năm.

Xây dựng danh sách cổ phiếu theo dõi và chiến lược đầu tư

Sau khi thiết lập mục tiêu, hãy lựa chọn danh sách các cổ phiếu tiềm năng và nghiên cứu thông tin về công ty phát hành: tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, và triển vọng phát triển. Bạn có thể áp dụng các phương pháp lọc cổ phiếu nổi tiếng như CANSLIM, SEPA hoặc của Philip Fisher để chọn cổ phiếu có tiềm năng. Các quyết định đầu tư chỉ nên thực hiện sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng.

Phân tích điểm mua

Không phải mọi cổ phiếu của công ty tốt đều là lựa chọn đúng tại mọi thời điểm. Giá trị cổ phiếu thường biến động theo chu kỳ và phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế, chính sách nhà nước, hay tình hình chính trị. Việc kết hợp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật sẽ giúp bạn xác định thời điểm mua thích hợp.

Thiết lập nguyên tắc bán

Để đảm bảo lợi nhuận, nhà đầu tư cần xác định các tiêu chí bán, bao gồm: bán khi đạt mục tiêu lợi nhuận, bán khi cổ phiếu giảm vượt ngưỡng lỗ chấp nhận, hoặc khi cổ phiếu không còn tiềm năng tăng trưởng. Giữ vững kỷ luật đầu tư giúp bảo toàn lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, ngay cả khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng sau khi bán.

Ghi chép và rút kinh nghiệm

Kết thúc mỗi giao dịch, hãy ghi lại diễn biến, lãi/lỗ và cảm xúc trong nhật ký giao dịch. Điều này giúp bạn nhận ra các bài học từ những lần thắng/thua, cải thiện chiến lược, và tích lũy kinh nghiệm để giao dịch tốt hơn trong tương lai.

Bài viết nổi bật

error: Content is protected !!